Phân kali là loại phân bón cần thiết cho cây trồng, giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh, tăng năng suất và chất lượng nông sản. Tuy nhiên, khái niệm phân kali là gì, nó mang lại những lợi ích nào cho cây trồng và cách bón ra sao để đạt hiệu quả nhất vẫn là thắc mắc của rất nhiều người. Để giải đáp các thắc mắc trên, bài viết hôm nay chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về phân bón kali, cùng tìm hiểu nhé.
Phân kali là gì?
Phân kali là loại phân bón cung cấp chất dinh dưỡng kali cho cây trồng dưới dạng ion K+. Loại phân này là phân chua sinh lý, đặc tính dễ hòa tan với nước và có hệ số sử dụng dinh dưỡng cao (60-70%).
Độ dinh dưỡng của phân kali được đánh giá dựa trên tỉ lệ % khối lượng K2O tương ứng với lượng K có trong thành phần của nó.
Phân kali nào phổ biến hiện nay?
Phân kali trắng (Kali Sunfat – K2SO4) hay phân SOP
Phân kali trắng có thể dùng để tưới hoặc dùng phun qua lá nhằm bổ sung kali cho cây trồng. Ngoài ra, loại phân này cũng cung cấp một nguồn lưu huỳnh quý giá và cần thiết cho chức năng tổng hợp protein và enzyme của cây trồng. Phân kali trắng có giá thành cao nên phù hợp với một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, bón vào giai đoạn trước khi thu hoạch.
Công thức hóa học của phân kali trắng: K2SO4
Thành phần dinh dưỡng: 48-53% K2O; 17-18% lưu huỳnh (S).
Đặc điểm
- Được sản xuất dưới dạng tinh thể nhỏ, mịn, màu trắng, khả năng hút ẩm thấp.
- Độ hòa tan trong là 120 g/L (25 oC).
- Độ pH tương đương 7.
- Phân chua sinh lý, nếu sử dụng lâu dài sẽ làm tăng độ chua của đất.
Cây trồng phù hợp bón phân kali trắng
- Phân kali trắng không chứa clorua nên phù hợp với các loại cây trồng nhạy cảm với clorua như: sầu riêng, hạnh nhân, quả óc chó, thuốc lá, chè, cà phê, cam quýt,...
- Phân kali trắng phù hợp với các loại cây trồng có nhu cầu lưu huỳnh cao chẳng hạn như hành tây, cải bắp, tỏi,…
Phân kali đỏ (Kali Clorua - KCl) hay phân MOP
Đây là loại phân bón có giá thành rẻ, phù hợp với rất nhiều loại đất khác nhau. Phân kali đỏ chứa hàm lượng kali cao hơn so với những loại phân khác. Nên sử dụng phân kali đỏ để bón thúc hoặc bón lót.
Công thức hóa học của phân kali đỏ: KCl
Thành phần dinh dưỡng của phân Kali đỏ: 50 - 60% K2O và 45 - 47 % Clo.
Đặc điểm
- Phân kali đỏ được sản xuất dưới dạng bột màu hồng, kết tinh hạt nhỏ, độ rời tốt.
- Độ hòa tan trong nước của phân Kali Clorua khá cao: (344 g/L ở 20 oC)
- Độ pH tương đương: 7
- Phân chua sinh lý, dễ kết dính khi ẩm, gây khó sử dụng.
Cây trồng phù hợp bón phân kali đỏ
- Phân kali đỏ đặc biệt có hiệu quả cho các cây trồng cho tinh bột như ngô, lúa mì và lúa nước.
- Phù hợp cho các cây có nhu cầu kali cao như dầu cọ,...
Lưu ý
Không nên bón phân kali đỏ cho đất mặn, chua vì dễ gây chua đất, bị axit, làm độ pH của đất thấp xuống.
Không bón cho các loại cây không ưa clo như: thuốc lá, chè, cà phê, sầu riêng, khoai tây, hạnh nhân, quả óc chó và cam quýt,…
Phân Kali Cacbonat (K2CO3)
Đây là loại phân cung cấp hàm lượng kali cao nhất hiện tại. Phân Kali Cacbonat thích hợp bón cho cây trồng ở đất chua và không ưa clo. Loại phân này giúp ổn định pH đất và giảm độ chua đất hiệu quả.
Công thức hóa học của phân kali Cacbonat: K2CO3
Thành phần dinh dưỡng: 68% K2O
Đặc điểm
- Phân Kali Cacbonat có dạng tinh thể màu trắng, tan trong nước tạo thành dung dịch kiềm mạnh, hút ẩm tốt.
- Độ hòa tan: 1120 g/L
- Độ pH dung dịch: 5 - 7
Cây trồng phù hợp bón phân Kali Cacbonat
- Phân Kali Cacbonat thích hợp đất chua và nhiều loại cây trồng không ưa clo (đặc biệt sầu riêng).
Phân Kali Nitrat hay phân NOP
Loại phân này chứa 2 chất dinh dưỡng quan trọng đối với sự phát triển của các loài thực vật là kali và nitơ (đạm). Trong khi kali điều chỉnh các chức năng sinh học thì đạm thúc đẩy quá trình tăng trưởng, giúp cây trưởng thành hoàn toàn.
Công thức hóa học của phân Kali Nitrat: KNO3
Thành phần dinh dưỡng: 13% N, 44-46% K2O
Đặc điểm
- Phân Kali Nitrat có dạng tinh thể, dạng viên, dễ tan trong nước.
- Độ tan trong nước: 316 g/L (20 oC)
- Độ pH dung dịch: 7-10
Cây trồng phù hợp bón phân Kali Nitrat
- Phân Kali Nitrat hòa tan nhanh chóng và tan hoàn toàn trong nước, phù hợp để bón gốc hoặc bón qua lá, hệ thống tưới và thích hợp cho cây trồng thủy canh.
- Phù hợp với nhiều loại cây trồng có nhu cầu kali tương đối cao, đặc biệt là giai đoạn thu hoạch.
- Phù hợp để bón các loại cây trồng nhạy cảm với độ mặn và khi nước tưới kém chất lượng.
Phân Kali Magie Sunfat
Đây là loại phân bón kali cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cây trồng từ đa lượng đến trung lượng. Kali Magie Sunfat tan trong nước, nhưng tan chậm hơn một số loại phân kali thông thường khác do hạt của nó đặc hơn các nguồn kali khác. Loại phân này được sử dụng hiệu quả trên đất cát nghèo và đất bạc màu.
Thành phần dinh dưỡng: 20 – 30% K2O, 5 – 7% MgO, 16 – 22% lưu huỳnh.
Đặc điểm
- Dạng dạng hạt, không chứa clo.
- Độ hòa tan trong nước: 240 g/L (20 oC).
- Độ pH tương đương 7, không làm thay đổi pH của đất.
Cây trồng phù hợp bón phân Kali Magie Sunfat
- Phân Kali Sunfat không chứa hàm lượng clorua, phù hợp với các loại cây trồng nhạy cảm với clorua.
- Phù hợp với những loại cây có múi như bưởi, mít, chanh, cam, sầu riêng, măng cụt,… Ngoài ra, nó còn phù hợp với một số loại cây trồng như cây cà rốt, củ cải, cà chua, thuốc lá.
Phân Monopotassium Photphat (MKP)
Phân MKP được sử dụng ở các giai đoạn sinh trưởng của cây yêu cầu hàm lượng lân và kali cao. Loại phân này phù hợp với cây gặp tình trạng thiếu lân nhưng thừa đạm, không thể sử dụng DAP hay MAP. Phân MKP giúp hệ thống rễ phát triển sớm, tăng cường hấp thu nước và các chất dinh dưỡng.
Công thức thức hóa học của phân bón MKP: KH2PO4
Thành phần dinh dưỡng: 52% P2O5, 34% K2O
Đặc điểm
- Phân bón MKP là muối vô cơ, có dạng tinh thể màu trắng.
- Độ hòa tan trong nước: 226 g/L (20 oC)
- Độ pH: từ 4.2 - 4.7 (tùy theo nồng độ)
Cây trồng phù hợp bón phân Monopotassium Photphat (MKP)
- Thích hợp với cây trồng nhạy cảm với clorua như: Cafe, sầu riêng, khoai tây, hạnh nhân, quả óc chó và cam quýt, thuốc lá, chè,…
Phân kali có tác dụng gì đối với cây trồng?
Một số tác dụng của phân kali đối với cây trồng bao gồm:
Cung cấp chất dinh dưỡng kali
Loại phân này cung cấp nguyên tố kali dưới dạng ion K+ cho cây trồng, giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa và cân bằng dinh dưỡng các chất dinh dưỡng, từ đó tăng năng suất và chất lượng nông sản.
Hỗ trợ tăng trưởng và phát triển cây trồng
Kali là yếu tố cần thiết để cây trồng phát triển, giúp tăng khả năng hút nước và dinh dưỡng của rễ cây. Từ đó, thúc đẩy quá trình quang hợp, tổng hợp đường và tinh bột, giúp tăng năng suất của nông sản.
Giúp cây trồng chống chịu được với điều kiện thời tiết bất lợi
Nguồn kali cân đối giúp cây trồng dễ thích nghi với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh,....để đảm bảo đạt năng suất cao.
Tăng cường khả năng chịu rét và kháng bệnh
Kali có khả năng tăng cường lực thẩm thấu của tế bào, giúp cây trồng chịu rét tốt hơn hơn. Bên cạnh đó, loại phân này cũng giúp cây tăng hệ thống miễn dịch và khả năng kháng nấm, sâu bệnh.
Điều tiết hoạt động sinh học
Kali tham gia vào quá trình điều tiết các hoạt động sống của thực vật, từ đó giúp cây tăng cường quang hợp và tổng hợp dinh dưỡng, tăng năng suất nông sản.
Bón phân kali như thế nào mang lại hiệu quả cao?
Khi bón phân kali cần quan tâm đến loại đất và loại cây trồng để việc bón phân mang lại hiệu quả tốt nhất.
Giống cây trồng
- Cây rất mẫn cảm với clo: Chọn phân kali không chứa clo.
- Cây lấy sợi: Chọn loại phân kali hàm lượng cao.
- Cây lấy hạt và cỏ: Chọn loại phân kali (40% K2O), nồng độ kali trung bình.
- Cây lấy củ: Bón phân kali kèm theo ion NO3-.
Loại đất
- Đất thịt nhẹ và cát pha: Cần bón đủ hoặc hơn chút so với nhu cầu của cây.
- Đất ít chua hoặc không chua: Phân kali dễ làm đất chua hóa nên cần bón vôi khử chua trước khi bón kali.
- Đất cày vùi rơm rạ, bón nhiều phân chuồng, đất có tỷ lệ sét cao, đất để cải cách vụ: Nên bón ít kali.
Thời kỳ sinh trưởng
- Nên bón phân kali vào thời kỳ này để cây trồng đạt năng suất cao.
- Ngoài ra, khi bón kết hợp phân đạm và kali nên dùng tỉ lệ thuận với nhau (tăng K thì cũng tăng đạm và ngược lại). Bên cạnh đó, nếu muốn tăng hiệu quả khi bón kali, nên thêm các vi chất P, S,Zn.
Cây trồng có biểu hiện gì khi thiếu hoặc thừa kali?
Cây khi thiếu kali
- Lá già xuất hiện các vết cháy màu nâu đen, từ chóp là và dọc 2 bên rìa lá và rụng sớm. Quả rụng nhiều, cành mảnh khảng, dễ bị khô và chết.
- Cây dễ bị thối rễ, còi cọc, thân yếu, dễ đổ ngã.
- Lá hẹp ngắn, dễ héo rũ và khô, xuất hiện các chấm đỏ.
- Làm giảm sức sống và tỷ lệ nảy mầm của hạt giống.
- Nếu cây có ra hạt thì tỉ lệ hạt lép và nhỏ nhiều hơn, quả kết trái cũng dễ dứt và dày vỏ.
Cây khi thừa kali
- Rễ cây bị teo, quá trình hấp thụ nước của cây bị kìm hãm.
- Dư thừa kali gây nên tình trạng đối kháng ion, khiến cây trồng không hút được các chất dinh dưỡng khác như: Magie, Nitrat,… dẫn tới mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng đến năng suất.
Một số lưu ý khi bón phân kali
- Có thể bón lót phân kali bằng cách trộn vào đất hoặc bón thúc vào thời điểm cây ra hoa, kết quả.
- Bón phân nhiều lần, không tập trung bón 1 lần khi gieo trồng hay khi cây ra hoa, kết trái.
- Nên kết hợp thêm nhiều loại phân bón khác khi bón phân kali để tăng năng suất cây trồng.
Trên đây là những thông tin hữu ích về phân kali. Hi vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn lựa chọn được phân bón phù hợp và sử dụng đúng cách để nâng cao năng suất cho cây trồng.
Xem thêm:
Any comments?